Mon - Fri : 09:00 - 18:00

Hotline: +84 (0) 91 444 1016

Định cư Mỹ bằng cách nào

Định cư Mỹ bằng cách nào? Điều kiện và chi phí cần thiết 2025

(GMT+7)
CHIA SẺ

Định cư Mỹ bằng cách nào?” là câu hỏi nhiều người quan tâm khi muốn bắt đầu cuộc sống mới tại Mỹ. Hiện nay thì có rất nhiều cách để có thể định cư tại Mỹ. Và bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Harvey Law Group để lựa chọn một cách định cư phù hợp nhất nhé.

Làm sao để định cư Mỹ?

Định cư Mỹ diện việc làm

Định cư Mỹ diện việc làm (Employment-Based Immigration) là chương trình cho phép người lao động nước ngoài nhập cư và định cư tại Mỹ dựa trên một công việc cụ thể hoặc kỹ năng nghề nghiệp. Diện này bao gồm nhiều loại visa khác nhau, được phân chia thành các nhóm ưu tiên tùy theo loại công việc và yêu cầu về tay nghề.

Các diện phổ biến bao gồm:

  • EB-1: Dành cho các giáo sư, nhà nghiên cứu xuất sắc hoặc là quản lý, giám đốc điều hành đa quốc gia. 
  • EB-2: Dành cho những người có trình độ học vấn cao hoặc có khả năng đặc biệt trong các ngành nghề.
  • EB-3: Dành cho lao động có tay nghề, lao động chuyên môn, hoặc lao động phổ thông.
  • EB-4: Dành cho những đối tượng đặc biệt như tu sĩ, nhân viên của các tổ chức quốc tế, …

Điều kiện để định cư Mỹ theo diện việc làm như sau:

  • Đối với EB-1: 
    • EB-1 – Dành cho những cá nhân có tài năng xuất sắc: Bạn cần chứng minh sự công nhận quốc tế hoặc trong nước trong lĩnh vực của mình. Cung cấp các tài liệu chứng minh những thành tựu nổi bật và ảnh hưởng của bạn trong ngành.
    • EB-1 – Dành cho các Giáo Sư và Nhà Nghiên Cứu xuất sắc: Bạn phải có một lời mời làm việc từ một tổ chức giáo dục tại Mỹ, đảm nhận vị trí chính thức hoặc tương đương trong ngành giáo dục đại học. Bạn cần thể hiện sự công nhận quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong giảng dạy hoặc nghiên cứu.
    • EB-1 – Dành cho Nhà Quản Lý hoặc Giám Đốc Điều Hành quốc tế: Bạn cần có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí lãnh đạo tại công ty ngoài Mỹ có liên kết với công ty tại Mỹ. Mục đích là tiếp tục công việc ở Mỹ với tư cách lãnh đạo trong cùng công ty hoặc công ty liên kết.
  • Đối với EB-2:
    • EB-2 – Advanced Degree: 
      • Yêu cầu: Bạn phải có ít nhất một bằng đại học hoặc tương đương, cùng với ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, chứng tỏ sự phát triển trong nghề nghiệp.
      • Bằng cấp từ tổ chức giáo dục tại Mỹ hoặc quốc tế.
      • Thư giới thiệu từ nhà tuyển dụng hiện tại hoặc trước đây, chứng minh kinh nghiệm làm việc của bạn.
      • Lưu ý: Các bằng cấp như Thạc sĩ, Tiến sĩ, JD (bằng luật), MD (bằng y học) thường đủ điều kiện cho visa EB-2A.
    • EB-2 – Exceptional Ability: 
      • Yêu cầu: Bạn cần chứng minh khả năng vượt trội trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, hoặc kinh doanh.
      • Chứng minh ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn.
      • Các bằng cấp, giấy phép nghề nghiệp, giải thưởng, chứng nhận thành viên của các hiệp hội chuyên ngành, và các bằng chứng khác phản ánh tài năng và sự nổi bật của bạn.
      • Mức lương phản ánh khả năng và đóng góp của bạn.
    • Đối với EB-2 NIW: 
      • Là thành viên của một ngành nghề có bằng cấp cao hoặc là người có năng lực đặc biệt
      • Công việc của ứng viên phải có giá trị lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Mỹ, như các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật.
      • Ứng viên phải có đủ năng lực, kiến thức, và kinh nghiệm, thể hiện qua thành tựu trong ngành (giải thưởng, bằng cấp, chứng chỉ).
      • Cần chứng minh rằng việc ứng viên nhập cư vào Mỹ không ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội việc làm và điều kiện làm việc của công dân Hoa Kỳ.
  • Đối với EB-3: 
    • Đối với Chuyên gia
      • Có bằng cử nhân của Hoa Kỳ hoặc bằng cấp tương đương ở nước ngoài
      • Bạn phải đảm bảo rằng không có ai ở Hoa Kỳ đủ trình độ để làm công việc này.
      • Có lời mời làm việc từ một nhà tuyển dụng tại Hoa Kỳ và chứng nhận lao động
    • Đối với diện lao động có tay nghề: 
      • Có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc hoặc đào tạo
      • Bạn phải đảm bảo rằng không có ai ở Hoa Kỳ đủ trình độ để làm công việc này.
      • Làm việc trong lĩnh vực mà nước Mỹ yêu cầu (tùy vào từng thời điểm)
      • Có lời mời làm việc từ một nhà tuyển dụng tại Hoa Kỳ và chứng nhận lao động
    • Đối với diện lao động không có tay nghề:
      • Có khả năng thực hiện công việc không đòi hỏi kỹ năng đòi hỏi ít hơn hai năm đào tạo hoặc kinh nghiệm
      • Đảm nhận công việc không có người lao động Mỹ nào thực hiện được.
      • Phải làm việc không theo mùa vụ và lâu dài.
      • Có lời mời làm việc từ một nhà tuyển dụng tại Hoa Kỳ và chứng nhận lao động
  • Đối với Visa EB-4:  Các đối tượng chính đủ điều kiện xin Visa EB-4:
    • Người làm việc trong các tổ chức tôn giáo.
    • Trẻ vị thành niên nhập cư đặc biệt (Special Immigrant Juveniles).
    • Một số nhân viên phát thanh, truyền hình quốc tế.
    • Sĩ quan hoặc nhân viên đã nghỉ hưu của tổ chức quốc tế (G-4) hoặc nhân viên dân sự NATO-6 và các thành viên gia đình của họ.
    • Một số nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ ở nước ngoài và gia đình họ.
    • Các thành viên của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
    • Nhân viên của Công ty Kênh đào Panama hoặc Chính phủ Khu vực Kênh đào.
    • Bác sĩ hành nghề tại Hoa Kỳ trước ngày 9/1/1978.
    • Những người không phải công dân Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin về các tổ chức tội phạm hoặc khủng bố.

Định cư Mỹ diện đầu tư (Visa EB-5)

Chương trình đầu tư định cư Mỹ (Visa EB-5) là một chương trình đầu tư định cư Hoa Kỳ, được thành lập theo Đạo luật Di trú năm 1990. Chương trình này cho phép nhà đầu tư nước ngoài và gia đình nhận được thẻ xanh để trở thành thường trú nhân Mỹ, thông qua việc đầu tư vào các dự án tại Hoa Kỳ nhằm kích thích nền kinh tế và tạo việc làm.

Yêu cầu của thị thực EB-5 như sau: 

  • Nhà đầu tư đủ 18 tuổi trở lên.
  • Đầu tư vào Doanh nghiệp Thương mại Mới tọa lạc tại Khu vực Việc làm Mục tiêu (TEA) hoặc ngoài TEA:
  • Số tiền đầu tư:
    • Nhà đầu tư cần đầu tư tối thiểu 1.050.000 USD vào một doanh nghiệp thương mại mới.
    • Nếu đầu tư vào khu vực việc làm mục tiêu (TEA) hoặc dự án cơ sở hạ tầng, số tiền đầu tư tối thiểu là 800.000 USD.
    • Tạo hoặc duy trì 10 công việc toàn thời gian lâu dài cho những người lao động Mỹ có trình độ.
    • Chứng minh nguồn gốc vốn: Bạn phải chứng minh rằng số tiền bạn đầu tư có nguồn gốc hợp pháp.
Định cư Mỹ bằng cách nào
Visa EB-5 mở ra cơ hội định cư Mỹ cho các nhà đầu tư.

Định cư Mỹ diện bảo lãnh gia đình

Định cư Mỹ diện bảo lãnh gia đình là một chương trình cho phép công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp bảo lãnh các thành viên trong gia đình của họ để nhập cư vào Mỹ và trở thành thường trú nhân (có thẻ xanh mỹ). 

Có hai nhóm chính trong diện bảo lãnh gia đình:

  • Thị thực theo diện ưu tiên gia đình
  • Thị thực theo diện thân nhân trực hệ

Điều kiện để định cư Mỹ theo diện bảo lãnh gia đình gồm:

  • Đối với diện ưu tiên gia đình, bạn phải có mối quan hệ với người bảo lãnh như sau
    • Là con trai hoặc con gái chưa kết hôn, từ 21 tuổi trở lên, của công dân Hoa Kỳ.
    • Là vợ/chồng hoặc con cái (chưa kết hôn và dưới 21 tuổi) của thường trú nhân (người có thẻ xanh).
    • Là con trai hoặc con gái chưa kết hôn, từ 21 tuổi trở lên, của thường trú nhân.
    • Là con trai hoặc con gái đã kết hôn của công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả vợ/chồng và con cái đi cùng.
    • Là Anh/chị/em ruột của công dân Hoa Kỳ, với điều kiện người bảo lãnh phải từ 21 tuổi trở lên.
  • Đối với diện thân nhân trực hệ, mối quan hệ với người bảo lãnh cần đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
    • Là vợ/chồng của công dân Hoa Kỳ;
    • Là con chưa lập gia đình dưới 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ
    • Là cha mẹ của công dân Hoa Kỳ (nếu công dân Hoa Kỳ từ 21 tuổi trở lên).
Định cư Mỹ bằng cách nào
Định cư Mỹ diện ưu tiên gia đình hỗ trợ người thân của công dân Mỹ đoàn tụ và định cư tại Mỹ

Định cư mỹ thông qua chương trình du học sinh 

Định cư Mỹ thông qua chương trình du học sinh là một quá trình mà các du học sinh có thể trở thành thường trú nhân (có thẻ xanh) sau khi hoàn thành việc học tại Mỹ. Mặc dù du học không phải là con đường trực tiếp để định cư, nhưng các du học sinh có thể tìm cách chuyển đổi tình trạng từ sinh viên sang thường trú nhân thông qua một số phương thức. Cụ thể:

  • Chuyển đổi sang visa lao động H-1B:
    • Sau khi tốt nghiệp, du học sinh có thể tham gia chương trình OPT để có thể làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành học trong tối đa 12 tháng (hoặc 24 tháng cho các ngành STEM). 
    • Sau khi hoàn thành chương trình OPT, du học sinh có thể tìm kiếm việc làm và được nhà tuyển dụng bảo lãnh để chuyển đổi sang visa H-1B.
    • Visa H-1B là visa tạm thời dành cho những người có trình độ chuyên môn cao. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên quốc tế có thể xin visa H-1B nếu nhận được một lời mời làm việc từ một công ty tại Mỹ và sẽ có cơ hội nhận được thẻ xanh.
  • Kết hôn với công dân Mỹ: Một cách nhanh chóng để định cư là kết hôn với công dân hoặc thường trú nhân Mỹ. Sau khi kết hôn, du học sinh có thể nộp đơn xin thẻ xanh thông qua mẫu I-130 và I-485. 
  • Chương trình EB-3: Du học sinh cũng có thể xin định cư thông qua chương trình EB-3 dành cho lao động có tay nghề và chuyên môn. Tuy nhiên, du học sinh cần phải có một công việc được bảo lãnh và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của diện EB-3 để đủ điều kiện xin thẻ xanh.

Kết hôn với công dân Mỹ

Định cư Mỹ bằng cách kết hôn với công dân Mỹ là một trong những con đường nhanh và phổ biến để trở thành thường trú nhân tại Mỹ. Khi kết hôn hợp pháp với một công dân Mỹ, bạn có thể xin cấp thẻ xanh (Green Card) theo diện vợ/chồng, cho phép bạn sinh sống và làm việc tại Mỹ.

Để định cư tại Mỹ thông qua kết hôn với công dân hoặc thường trú nhân Mỹ, người được bảo lãnh cần đáp ứng một số điều kiện sau:

  • Hôn nhân hợp pháp: Người được bảo lãnh phải chứng minh cuộc hôn nhân với công dân hoặc thường trú nhân Mỹ là hợp pháp thông qua Giấy chứng nhận kết hôn.
  • Mối quan hệ thực sự: Cần chứng minh rằng mối quan hệ giữa hai vợ chồng là thật sự và có cơ sở tình yêu, không phải chỉ vì mục đích định cư. Điều này có thể được thực hiện thông qua các tài liệu như hình ảnh chung, tin nhắn, và các bằng chứng khác về mối quan hệ.
  • Người bảo lãnh: Người bảo lãnh phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp và hiện đang sinh sống tại Mỹ. Họ cũng cần chứng minh có khả năng tài chính để hỗ trợ người được bảo lãnh, đảm bảo rằng người này sẽ không trở thành gánh nặng cho chính phủ.
  • Yêu cầu về sức khỏe và lý lịch: Người được bảo lãnh cần đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và có lý lịch tư pháp trong sạch, không có tiền án tiền sự.
  • Thời gian gặp mặt: Hai vợ chồng phải có thời gian gặp mặt trực tiếp ít nhất trong vòng hai năm trước khi nộp đơn xin định cư, trừ khi có lý do chính đáng để không thể gặp nhau.

Muốn định cư ở Mỹ cần những gì?

Hồ sơ xin visa định cư Mỹ gồm có:

  • Chứng minh nhân dân: Bản chính và bản sao.
  • Hộ chiếu: Bản chính và bản sao, hộ chiếu phải còn hiệu lực ít nhất 60 ngày kể từ ngày hết hạn thị thực Mỹ.
  • Hộ khẩu: Bản chính và bản sao.
  • Giấy khai sinh: Bản chính và bản sao của người bảo lãnh và tất cả đương đơn có tên trên hồ sơ.
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Bản chính và bản sao giấy đăng ký kết hôn nếu đã kết hôn; nếu đã ly hôn, cần có giấy xác nhận của tòa án.
  • Phiếu lý lịch tư pháp: Bản chính để chứng minh không có tiền án tiền sự.
  • Đơn xin visa định cư (DS-260): Đã hoàn tất và in trang xác nhận.
  • Thư mời phỏng vấn: Từ Trung tâm Thị thực Quốc gia (NVC).
  • Ảnh chụp: 2 tấm ảnh 5x5cm, phông trắng, chụp không quá 6 tháng.
  • Bằng chứng tài chính: Người bảo lãnh cần cung cấp bằng chứng về khả năng tài chính để hỗ trợ người được bảo lãnh.

Thủ tục định cư Mỹ?

Thủ tục định cư Mỹ gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn bảo lãnh lên cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ

Người bảo lãnh (nhà tuyển dụng, người thân, vợ/chồng) nộp mẫu đơn bảo lãnh lên USCIS (Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ) để bắt đầu quy trình xin visa. USCIS sẽ xét duyệt đơn và thông báo quyết định (chấp thuận hoặc từ chối). Nếu đơn được chấp thuận, hồ sơ sẽ được chuyển đến Trung tâm Thị thực Quốc gia (NVC).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ với NVC

Sau khi nhận được thông báo từ USCIS, Trung tâm Thị thực Quốc gia (NVC) sẽ yêu cầu bạn cung cấp các giấy tờ và thanh toán lệ phí xử lý hồ sơ.

Bước 3: Kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng

Bạn sẽ phải thực hiện kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế được Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ chỉ định. Kết quả kiểm tra sức khỏe sẽ được gửi trực tiếp đến NVC hoặc mang đến buổi phỏng vấn.

Bước 4: Phỏng vấn tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ

Khi hồ sơ được hoàn tất và chấp nhận, bạn sẽ được sắp xếp lịch phỏng vấn.

Trong buổi phỏng vấn, bạn cần mang theo:

  • Hồ sơ gốc và bản sao giấy tờ đã nộp.
  • Các bằng chứng bổ sung để chứng minh điều kiện và lý do định cư.
  • Thư mời phỏng vấn từ NVC.
  • Viên chức lãnh sự sẽ kiểm tra hồ sơ và hỏi bạn một số câu hỏi để xác minh tính chính xác và tính hợp pháp của đơn xin visa.
Định cư Mỹ bằng cách nào
Phỏng vấn tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ là bước quan trọng trong quá trình xin thị thực.

Bước 5: Quyết định và nhận visa

Nếu đơn xin visa được chấp thuận:

  • Bạn sẽ nhận được hộ chiếu có đóng dấu visa định cư.
  • Bạn cũng sẽ nhận được một gói tài liệu niêm phong (“Immigrant Visa Packet”), mà bạn cần mang theo khi nhập cảnh vào Mỹ và nộp cho nhân viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP).
  • Nếu đơn bị từ chối: Bạn có thể được yêu cầu cung cấp thêm tài liệu hoặc làm rõ thông tin.

Bước 6: Nhập cảnh vào Mỹ

Khi đến Mỹ, bạn trình hộ chiếu, visa, và gói tài liệu tại sân bay cho CBP.

Sau khi nhập cảnh thành công, bạn sẽ được cấp Thẻ xanh (Green Card) qua đường bưu điện trong vòng vài tuần.

Điều kiện định cư tại Mỹ

Điều kiện để có thể định cư tại Mỹ gồm:

  • Bạn phải có thẻ xanh
  • Bạn cần có đơn yêu cầu nhập cư đủ điều kiện và được chấp thuận.
  • Lý lịch tư pháp của bạn không được có tiền án, tiền sự hoặc các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
  • Bạn cần chứng minh sự ổn định trong tài chính của mình để đảm bảo không trở thành gánh nặng cho xã hội Mỹ.
  • Bạn cần đạt tiêu chuẩn sức khỏe thông qua kiểm tra y tế, bao gồm tiêm chủng theo quy định của Mỹ.
  • Vượt qua buổi phỏng vấn tại Lãnh sự quán hoặc Sở Di trú Mỹ

Định cư Mỹ không cần bảo lãnh

Định cư Mỹ không cần bảo lãnh là hình thức định cư mà ứng viên không cần người thân, doanh nghiệp, hoặc tổ chức tại Mỹ đứng ra bảo trợ hoặc bảo lãnh. Thay vào đó, ứng viên tự nộp đơn thông qua các chương trình phù hợp với năng lực, tài chính, hoặc mục tiêu cá nhân của mình.

Một số chương trình định cư Mỹ không thông qua bảo lãnh gồm:

  • Định cư diện Visa EB-1 – Dành cho những cá nhân có tài năng xuất sắc
  • Định cư diện Visa EB-2 NIW
  • Định cư diện đầu tư Visa EB-5

Các câu hỏi thường gặp khi định cư tại Mỹ

Đi Mỹ diện nào dễ nhất?

Mỗi diện định cư đều có những yêu cầu và quy trình riêng, vì vậy lựa chọn phù hợp sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của từng người. Tuy nhiên, diện EB-2 NIW và EB-5 thường được xem là những lựa chọn dễ dàng hơn cho những ai muốn định cư tại Mỹ mà không cần bảo lãnh từ người thân hay nhà tuyển dụng.

Định cư ở mỹ cần bao nhiêu tiền? 

Tổng chi phí để định cư tại Mỹ có thể dao động từ khoảng 35.000 USD cho đến hơn 900.000 USD, tùy thuộc vào diện định cư và các yếu tố cá nhân khác như số lượng thành viên trong gia đình đi kèm và lối sống sau khi định cư.

Có nên đi Mỹ định cư không? 

Quyết định đi Mỹ định cư mang lại nhiều lợi ích như quyền bình đẳng, cơ hội việc làm rộng mở, và hệ thống giáo dục chất lượng cao. Người định cư có thể được hưởng các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội, cũng như có cơ hội nhập quốc tịch sau 5 năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chi phí định cư có thể cao, quá trình hòa nhập văn hóa có thể gặp khó khăn, và thủ tục pháp lý thường phức tạp.

Vì vậy, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên hoàn cảnh cá nhân và mục tiêu dài hạn. Nếu bạn sẵn sàng đối mặt với những thách thức và có kế hoạch rõ ràng, định cư tại Mỹ có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển cho bạn và gia đình.

Những ngành nghề được ưu tiên định cư tại mỹ? 

Những ngành nghề được ưu tiên khi định cư tại Mỹ gồm:

  • Công nghệ thông tin và khoa học máy tính: Ngành này đang phát triển mạnh mẽ với nhu cầu tuyển dụng cao, mức lương từ 75.000 đến 130.000 USD/năm. Các chuyên ngành như trí tuệ nhân tạo, lập trình, và phân tích dữ liệu rất được ưa chuộng.
  • Y tế và điều dưỡng: Với sự thiếu hụt lớn về nhân lực trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là điều dưỡng, ngành này đang cần tới 260.000 lao động vào năm 2025. Đây là một lựa chọn hấp dẫn cho du học sinh muốn định cư tại Mỹ.
  • Kỹ sư: Các ngành kỹ thuật như kỹ sư hóa, cơ khí luôn nằm trong danh sách ưu tiên do nhu cầu cao trong sản xuất và công nghiệp.
  • Ngành nông nghiệp và thú y: Đây là lĩnh vực không yêu cầu bằng cấp cao nhưng vẫn có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhập cư.

Tư vấn định cư Mỹ cùng Harvey Law Group

Việc chọn đúng diện visa định cư Mỹ là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng cuộc sống mới tại Mỹ. Tuy nhiên, với nhiều diện visa khác nhau, bạn có thể cảm thấy khó khăn trong việc quyết định. Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng vì đã có Harvey Law Group đồng hành cùng bạn. 

Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực định cư, có mặt tại 13 quốc gia trên toàn thế giới, trải dài khắp Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Trung Đông cùng đội ngũ luật sư danh tiếng được quốc tế công nhận, Harvey Law Group sẽ giúp bạn lựa chọn diện visa phù hợp nhất với tình trạng cá nhân và gia đình của mình và biến giấc mơ định cư Mỹ của bạn thành hiện thực.

Bài viết trên đã giải đáp cho câu hỏi “Định cư Mỹ bằng cách nào?”. Hy vọng là sẽ hữu ích đối với bạn. Và nếu bạn cần được tư vấn sâu hơn, hãy liên hệ cho các luật sư di trú tại Harvey Law Group ngay hoặc thông qua Hotline 091.444.1016 để được hỗ trợ tốt nhất.

Selina Pham - Luật sư Harvey Law Group Việt Nam

Là luật sư của HLG có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Selina phụ trách phân tích vụ việc, thẩm định và tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ của khách hàng.

Từ khóa:

Tin liên quan:

Quý nhà đầu tư vui lòng điền theo mẫu dưới đây để được hỗ trợ tư vấn chương trình đầu tư định cư nhanh nhất:

Zalo
WhatsApp
WhatsApp
Zalo